Bình Dương đang dần chuyển trạng thái từ 'không COVID-19' sang 'thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh' nên các hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh đang từng bước được khôi phục.
Ngày 14/10, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, sau 2 tuần nới lỏng giãn cách, địa phương này đã đạt nhiều kết quả trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là kiểm soát, ngăn chặn nguồn lây.
Từ ngày 1/10 đến nay, tỷ lệ tử vong giảm đáng kể, không phát sinh ổ dịch trên diện rộng, số ca mắc mới chủ yếu phát hiện trong khu phong tỏa. Trong những ngày gần đây, ca mắc mới ở Bình Dương ghi nhận dưới 500 ca.
“Trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh thực hiện nới lỏng giãn cách nhưng không buông lỏng mà an toàn đến đâu mở rộng đến đấy”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh.
Hiện, Bình Dương đang duy trì 436 chốt kiểm soát dịch ở các cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh, thành phố và chốt liên huyện trong tỉnh với gần 1.300 cán bộ, chiến sĩ trực chốt. Người dân được phép thông hành liên huyện nhưng phải đáp ứng điều kiện đã tiêm vắc xin kèm xét nghiệm âm tính.
Bình Dương đang duy trì các chốt kiểm dịch liên huyện |
Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết thêm, theo kế hoạch, trong tháng 10 này, địa phương tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên. Dự kiến khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, người dân tiêm đủ 2 mũi vắc xin, Bình Dương sẽ mở cửa toàn bộ. Cũng theo ông Hà, hiện địa phương đang kết hợp các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh và chưa có hướng dẫn triển khai thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Để khôi phục kinh tế, Bình Dương lên kế hoạch đón người lao động từ các tỉnh, thành phố quay trở lại làm việc. Đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp ổn định sản xuất sẽ rất cần lao động. Tuy nhiên, việc đưa người lao động trở lại Bình Dương phải theo hướng dẫn để đảm bảo an toàn.
Được biết, để doanh nghiệp không phải đóng cửa trong trường hợp phát hiện F0, các ngành chức năng tỉnh Bình Dương phối hợp với chủ doanh nghiệp xây dựng phương án xử lý. Ngoài việc doanh nghiệp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Bình Dương xây dựng mô hình trạm y tế lưu động nhằm đưa y tế đến gần người dân, doanh nghiệp; tổ khám sức khỏe định kỳ cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp. Tính đến nay, Bình Dương có 170 trạm y tế lưu động được thành lập, trong đó có 22 trạm đặt tại cụm, khu công nghiệp.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đến đầu tháng 11 tới, sẽ có trên 90% doanh nghiệp trên địa bàn đi vào hoạt động ổn định.